Chỉ thị của Thủ tướng đề ra những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEAM tại Việt Nam
Một trong các giải pháp thúc đẩy giáo dục STEM là: “Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM), Ngoại ngữ, Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông”.
Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT “thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 – 2018…”. Với việc ban hành chỉ thị trên, Việt Nam chính thức ban hành chính sách thúc đẩy giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông.
Với những tiếp cận khác nhau, giáo dục STEM sẽ được thúc đẩy theo những cách khác nhau. Lãnh đạo và quản lý thì quan tâm tới đề xuất các chính sách để thúc đẩy giáo dục STEM, quan tâm tới chuẩn bị nguồn nhân lực cho các ngành nghề STEM theo nghĩa hướng nghiệp, phân luồng. Người làm chương trình quán triệt giáo dục STEM theo cách quan tâm tới vai trò, vị trí, sự phối hợp giữa các môn học STEM trong chương trình.
Giáo viên, người trực tiếp đứng lớp sẽ thể hiện STEM thông qua việc xác định các chủ đề liên môn, thể hiện nó trong mỗi tiết dạy, mỗi hoạt động dạy học để kết nối kiến thức học đường với thế giới thực, giải quyết các vấn đề thực tiễn, để nâng cao hứng thú, để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Học sinh chuẩn bị sản phẩm cho cuộc thi Sáng tạo STEAM
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc phát triển giáo dục STEM vừa mang nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Giáo dục STEM đã được chú trọng thông qua các biểu hiện đó là: (1) Chương trình giáo dục phổ thông mới có đầy đủ các môn học STEM. Đó là các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học. Việc hình thành nhóm môn công nghệ và nghệ thuật ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cùng với quy định chọn năm môn học trong nhóm ba môn sẽ đảm bảo mỗi học sinh đều được học các môn học STEM; (2) vị trí, vai trò của giáo dục Tin học và giáo dục Công nghệ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được nâng cao rõ rệt.
Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của giáo dục phổ thông trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (3) có các chủ đề STEM trong chương trình môn học tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Khoa học tự nhiên (ở trung học cơ sở); (4) các chuyên đề dạy học và giáo dục STEM ở lớp 10, 11, 12; các hoạt động trải nghiệm dưới hình thức câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, trong đó có các hoạt động nghiên cứu STEM; (5) tính mở của chương trình cho phép một số nội dung giáo dục STEM có thể được xây dựng thông qua chương trình địa phương, kế hoạch giáo dục nhà trường; qua những chương trình, hoạt động STEM được triển khai, tổ chức thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục.
Định hướng đổi mới phương pháp dạy nêu trong chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với giáo dục STEM ở cấp độ dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Một số hình thức phát triển giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Dạy học theo chủ đề liên môn; hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh; hoạt động câu lạc bộ Khoa học – Công nghệ; hoạt động tham quan, thực hành, giao lưu với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Các hoạt động dạy và học có thể được thực hiện ở phòng học bộ môn, vườn trường, không gian sáng chế… hoặc ở các cơ sở giáo dục, đơn vị kinh tế xã hội ngoài khuôn viên trường học.
Nguồn: giaoducthoidai.vn