Cấm người học dùng ChatGPT là quan điểm bảo thủ
Tại buổi Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 13/2, các chuyên gia giáo dục đã có những chia sẻ quan trọng về sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng như tương lai của giáo dục.
Các chuyên gia trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chia sẻ về sự xuất hiện của ChatGPT, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNiX cho rằng, ChatGPT cho thấy, mục tiêu cuối cùng của đào tạo là người học phải tự học, quan trọng nhất là phải đưa ra những câu hỏi. Lâu nay, người học thường sợ hỏi, không dám hỏi, trong khi đó ChatGPT cho phép người học hỏi rất nhiều vấn đề.
Trước quan ngại về chất lượng thông tin cung cấp từ ChatGPT khi con người sử dụng ứng dụng này, ông Nguyễn Thành Nam cho biết, với sinh viên khi đặt câu hỏi và được trả lời thì vấn đề đặt ra là sinh viên thấy có ích hay không chứ chưa bàn đến đúng sai. ChatGPT có thể để sinh viên hỏi thoải mái, nhận xét, phản hồi thoải mái.
Chuyên gia giáo dục Lê Thống Nhất cho rằng, việc ra đời ChatGPT là một đỉnh cao, là đối thủ khiến Google hoảng sợ. ChatGPT cho phép xử lý hàng triệu văn bản để đưa ra cho người dùng một cách trả lời ngắn gọn nhất.
Có những trường đại học trên thế giới đã cấm và chặn ChatGPT, tuy nhiên nhiều trường khác đã sử dụng ChatGPT để tạo tình huống trong giảng dạy hay giao bài tập cho học sinh.
Tiến sĩ Lê Thống Nhất cho rằng không nên cấm sử dụng ChatGPT nhưng sử dụng như thế nào là một vấn đề rất lớn cần được nghiên cứu kỹ. Đối với người thầy, ChatGPT sẽ trở thành trợ lý hỗ trợ người thầy để có thể lên lớp tự tin hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, công nghệ AI này không thể thay thế con người, nếu tiếp cận vừa phải, coi đó là một công cụ để làm việc thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Thầy Tùng nhấn mạnh, việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là quan điểm bảo thủ. Thay vào đó, nên đưa công nghệ vào để hiểu hơn về sinh viên của mình, điều này khiến việc giảng dạy tốt hơn.
Thầy cô có thể trao đổi, thảo luận cùng người học về ChatGPT để có những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Phùng Việt Thắng (giữa) cho rằng, ChatGPT sẽ trở thành một trợ lý rất tốt trong hoạt động giáo dục. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, ChatGPT là một phiên bản thể hiện vô cùng thành công của AI, có yếu tố khác các sản phẩm trước là tính phổ cập, tiếp cận, học hỏi mang màu sắc của ngôn ngữ.
ChatGPT sẽ trở thành một trợ lý rất tốt trong hoạt động giáo dục và là một bước để tạo ra một AI có năng lực tư duy của con người. Nên nhìn AI theo cách nhìn tích cực để có thể phát triển giáo dục theo hướng đúng nhất.
Nói đến vấn đề bảo mật khi sử dụng ChatGPT, ông Thắng cho biết, những công ty công nghệ muốn phát triển thì cần có cam kết. Quyền riêng tư, bảo mật là yêu cầu cơ bản của công nghệ.
Nên để người học trải nghiệm, tìm hiểu ChatGPT
Trao đổi cùng các chuyên gia, thầy cô giáo tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ, nhiệm vụ của ngành giáo dục không chỉ chia sẻ thông tin mà còn chia sẻ kiến thức, tri thức.
Từ trước đến nay ngành giáo dục vẫn thực hiện sứ mạng này, phát triển tri thức, chia sẻ, lan tỏa tri thức, vì vậy lợi ích của giáo dục lớn như vậy. Càng chia sẻ nhiều tri thức thì càng làm giàu cho mọi người dân, cho xã hội. Tri thức không bị bào mòn đi, càng chia sẻ càng phát triển.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, để hiểu về ChatGPT thì cần phải sử dụng công nghệ này. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nhưng ngày nay chúng ta có công nghệ. Công nghệ dần dần làm thay chúng ta một số việc. Thứ nhất là xử lý dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, thông tin và bắt đầu một phần giúp chúng ta tổng hợp và chia sẻ kiến thức.
Có thể ở đâu đó chúng ta mong chờ trí tuệ nhân tạo làm được đúng như cái tên của nó, đáng lẽ hiện nay chỉ gọi là kiến thức nhân tạo thôi, còn đến trí tuệ nhân tạo mức cao nhất chắc là còn con đường dài. Chúng ta không nghĩ nó làm được tất cả thay con người.
Với ngành Giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy nhưng không phải chỉ người thầy với những bài giảng mà chúng ta còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, đây là câu chuyện dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đây là một cơ hội rất lớn và chúng ta cần phải có những chính sách kịp thời. Tất nhiên, tất cả những cái mới còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ, không có chính sách nào ra bắt kịp tương lai lâu dài. Nhưng trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này, cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng chúng ta không quá lo ngại, hay hoảng sợ.
“Cách tốt nhất để hiểu nó chính là sử dụng nó. Công nghệ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh và 1,5 triệu nhà giáo, rồi các nhà quản lý giáo dục, chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn về ChatGPT.
Và khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận. Chúng ta nói cách học tốt nhất là dùng và thảo luận, cũng như học hỏi như ChatGPT làm. Tôi mong rằng ở các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại và tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta.
Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời”,Thứ trưởng cho hay.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong các nhà trường, việc hình thành các trung tâm dạy học xuất sắc là rất cần thiết, trung tâm thiết kế dạy và học, hỗ trợ dạy và học chứ không chỉ có những người thầy đơn độc như từ trước đến nay, từ soạn bài giảng, giáo án, sách giáo khoa, giáo trình, lên lớp giảng dạy, kiểm tra đánh giá…
Chúng ta có công nghệ, chúng ta hãy giúp các nhà giáo giảm bớt những công việc này và đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như là bình đẳng trong giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng tới tất cả những hoạt động này.
Cuối cùng, ứng dụng công nghệ làm sao để chúng ta hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào những công nghệ, công cụ và để làm sao mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt.
Và tất cả chính sách cũng đều hướng đến ý nghĩa đó, giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường. Đó là những chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Chúng chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo.
Phạm Minh - Giáo dục Việt Nam